Homefront: The Revolution – Nỗi thất vọng cho một thương hiệu tiềm năng

Bởi Trung Dt vào ngày 18/05/16, trong mục Tin tức
Loại bỏ lối chơi như phiên bản đầu tiên và rẽ sang một nhánh mới tưởng như sẽ giúp cho Homefront tự hoàn thiện mình. Đáng tiếc, sự việc lại không được như game thủ mong đợi, thậm chí có phần tệ hơn phiên bản gốc rất nhiều.


Nếu phiên bản Homefront đầu tiên kế thừa tư tưởng của bộ phim có đề tài tương tự Red Dawn vào thập niên 1980 thì Homefront: The Revolution, cho dù đã được đạo diễn và kịch bản của chính Red Dawn thực hiện nhưng kết quả lại cho ra một sản phẩm thiếu hoàn thiện cả về mặt nội dung, lẫn gameplay. Cho dù, fan của Far Cry có thể sẽ cảm thấy thích thú đôi chút nhưng bạn sẽ nhanh chóng bị nhàm chỉ sau vài tiếng chơi. Hãy nhớ lúc bạn đứng dưới chân một ngọn núi ở Far Cry, ngước lên đỉnh và luôn tự nói với mình rằng: “Hay là thử lên đó xem có gì không nhỉ”, thì trong The Revolution, bạn ngước lên một tòa nhà chọc trời và thay vì nói câu trên, bạn sẽ tự nhủ rằng: “Thôi kệ đi, lên đó làm quái gì, cũng chẳng có gì mà nghịch đâu.”

Homefront sở hữu một câu chuyện nằm trong Lịch Sử Giả Tưởng (hay Lịch Sử Đảo Ngược), thay vì để cho Mỹ trở thành một cường quốc thì… Triều Tiên sẽ là kẻ làm chủ thế giới với sức mạnh công nghệ và khoa học tiên tiến. Họ là quốc gia đầu tiên chế tạo ra thiết bị thông minh bao gồm: Điện thoại, máy tính và cả khu trục hạm. Còn người Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Triều Tiên. Không may mắn cho người Mỹ, khi tất cả số thiết bị đó đều có Backdoors (Cửa hậu, một lỗ hổng nằm trong hệ điều hành của mọi thiết bị điện tử) và một ngày kia khi người Triều Tiền tắt toàn bộ hệ thống thì có nghĩa rằng Mỹ đã hoàn toàn tê liệt. The Norks (tên mà người Mỹ sử dụng để gọi đội quân xâm lược Triều Tiên trong Homefront) dễ dàng sử dụng danh nghĩa là đi cứu trợ người Mỹ để tiến hành xâm lược và chỉ sau vài năm, họ đã nắm toàn bộ quyền bính quốc gia này.

The Revolution lấy bối cảnh năm 2029 khi Triều Tiên đã san bằng chính quyền người Mỹ. Bạn sẽ được vào vai một binh sĩ trong một nhóm phiến quân tại Philadelphia nhằm dành lại thành phố này từ tay quân đội Triều Tiền – KPA và sống trong một thế giới mà những vụ đánh bom tự sát, những trận chiến du kích nổ ra khắp mọi nơi.


Thành thật mà nói, đây là một trong số những cốt truyện về chiến tranh có sự khác biệt nhất trong nhiều năm qua. Người Mỹ luôn làm ra game để cho họ điều khiển thế giới, chống khủng bố hoặc nhồi thêm yếu tố Alien, Zombie, còn việc chống lại một thế lực có thật trong một lịch sử giả tưởng thì rất ít khi chúng ta được trải nghiệm. Đáng buồn, cho dù sở hữu một kịch bản hấp dẫn thì nhiệm vụ và gameplay lại ở level không thể chấp nhận được.

Hầu hết thời lượng chiến đấu của game thủ sẽ nằm trong một khu vực rộng lớn ở Philadelphia. Tuy nhiên, thứ bạn sẽ thấy nổi bật và phổ biến nhất trong kiểu chơi của game là được một người nào đó giao cho một nhiệm vụ đi nhặt cái này ở chỗ kia, rồi giết vài kẻ xấu. Bên cạnh đó, bạn có thể chọn các nhiệm vụ phụ nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt khi không là giết người thì lại hack một cái gì đó. Deep Silver hay Dambuster có lẽ đã quá dễ dãi và quá hài lòng với một kiểu chơi lặp đi lặp lại như vậy. Bạn sẽ thấy không ít những màn bắn nhau theo kiểu “mindless” – nói thẳng ra là không có não và có khi họ chuyển sang một game TPS dường như sẽ thích hợp hơn là để FPS.


The Revolution làm tôi nhớ lại về The Division khi kiểu chơi của nó cũng na ná nhau, tuy nhiên The Revolution có một điểm đặc biệt hơn chút. Một khu vực trong game được gọi là Yellow Zone, nơi mà dân thường bị lính KPA bắt giữ. Không giống như trong vùng Red Zones (vùng chiến sự bắn giết nhau), bạn sẽ phải sử dụng kĩ năng lén lút để giải phóng cho những con người ở đây về phe mình. Nghe hấp dẫn đấy, nhưng chỉ cho đến khi bạn nhận ra cách để kêu gọi người dân theo phe kháng chiến thì bạn mới hiểu nó nhảm tới mức nào: “cho họ vài đô” hay “bật radio và nghe quân kháng chiến nói chuyện”. Làm đủ những việc đó, khu vực sẽ mở khóa cốt truyện và dẫn lối người dân ở đó đi theo phe kháng chiến. Khó mà tin được là họ có thể làm cốt truyện ngây thơ đến như vậy, không phải người Mỹ nào cũng là kẻ hiếu chiến và không phải người Mỹ nào cũng đứng về phe người Mỹ trong một cuộc chiến mà KPA đang nắm 100% chính quyền như vậy. Chính sự hời hợt trong việc này đã vô tình giết chết một sản phẩm mà đáng nhẽ có thể khai thác nhiều hơn.


Phần thưởng của những đợt làm nhiệm vụ là tiền, bạn dùng nó để mở khóa vũ khí và các perks (kĩ năng người chơi). Một vài kiểu vũ khí sẽ yêu cầu bạn phải tìm đúng nguyên liệu mong muốn để mở khóa tính năng nhưng với một game FPS như thế này, sớm hay muộn bạn cũng nhận ra là mình chỉ sờ đến những thứ quen thuộc mà thôi. Một khẩu súng máy và một khẩu bắn tỉa gắn giảm thanh dường như là quá đủ. Có khá nhiều các thử nghiệm khác nhưng khi bạn tìm ra một thứ hiệu quả hơn cả thì.. bye bye, chẳng bao giờ bạn động vào những đồ cũ thêm nữa.

Bên cạnh việc sở hữu cơ chế đồ đạc không có nhiều đặc sắc, môi trường khiến game thủ sởn da gà vẫn không giúp ích gì đước sản phẩm này. Như tôi đã nói ở trên, Far Cry rất thích mời gọi người ta leo lên những ngọn đồi cao, đứng ở một khu vực rợp mát bóng cây hay như Assassin’s Creed rất muốn game thủ leo trèo lên tháp và Leap of Faith xuống một đống rơm nào đó thì Homefront lại khiến bạn dường như bị mắc kẹt trong một thành phố đổ nát và quá sức u tối. Chỉ có một vài khu vực là còn nguyên vẹn nhưng phần lớn là tan hoang làm bạn có cảm giác như cả thành phố vừa phải hứng chịu một quả bom hạt nhân cực mạnh. KPA mới chỉ chiếm giữ có vài năm mà Philadelphia ngỡ tưởng như Fallout 4. Môi trường quá mức tăm tối, gameplay lặp lại khiến game thủ nhiều khi chỉ muốn chơi cho xong.

Điểm nhấn của The Revolution là hạng mục Co-Op nhưng cuối cùng lại gây ra sự thất vọng. Nó được gọi là Resistance Mode với map lấy ra từ phần chiến dịch. Co-op cho phép game thủ cùng 3 đồng đội khác hoàn thành một số nhiệm vụ đặt ra trước đó nhưng không thể tin được là nó lại đơn giản tới mức khó tin như là cùng thủ một cứ điểm trong khi đồng đội hack vào một máy tính, hoặc dẫn độ 1 trang thiết bị tới điểm nhất định. Cơ chế cá nhân hóa trong Co-op không khác là bao so với nhiều dòng game có thiên hướng cá nhân hóa tương tự, bao gồm việc tùy biến nhân vật, nâng cấp vũ khí, tính năng để tăng khả năng hồi sinh đồng đội, chống damage nhận vào cơ thể, tăng sát thương. Hầu hết các item có thể tùy biến đều xuất hiện trong một cơ chế Random Box, nghĩa là nó sẽ ngẫu nhiên hoàn toàn để bạn phải tự thích ứng được với những đồ đạc khác nhau, đây có thể tạm coi là một điểm sáng giúp người chơi buộc phải tự mình thích nghi với các kiểu vũ khí khác.

Homefront: The Revolution có thể sẽ giúp bạn vui trong chốc lát với một cốt truyện và phần mở đầu ổn hay bản thân các nhân vật có những cá tính nhất định nhưng nhìn chung nó tạo ra một bầu không khí rất nhàm khi càng về cuối game. Từ đầu đến cuối, hình ảnh những cựu binh già với điếu xì gà trên mồm luôn thở ra những câu kiểu như “Đã đến lúc đứng lên rồi” hay “Điên thì cũng phải làm” nghe rất không ổn chút nào. Cốt truyện quá dễ đoán khi càng về cuối 1 số nhân vật chúng ta nghĩ họ sẽ phải chết thì họ chết thật và đồng đội của bạn cứ ngu ngơ như lần đầu tham gia một trận chiến. Đáng buồn hơn là cách làm game khiến cho chúng ta thấy được KPA dù đã sở hữu smartphone, buôn bán vũ khí cho Mỹ mà vẫn ngu ngơ, trong khi bản thân người Mỹ trong vũ trụ hiện tại thì lại “khôn” và “đoàn kết” một cách khó có lí lẽ nào giải thích. Việc tạo ra một lịch sử giả tưởng nhưng lại không tạo ra các diễn biến cho lịch sử giả tưởng đó đã khiến cốt truyện game bị fail một cách bất thình lình và khiến game thủ dễ dàng nhận ra sau 4 đến 5 giờ chơi.

Bên cạnh những điểm dở tệ đó, may mắn là Homefront có được vài điểm sáng nhất định: Mượt trên PC (nhưng console thì không, việc này đã được xác nhận), cấu hình nhẹ nhưng đồ họa xuất ra rất tốt. Súng được trau chuốt, tiếng súng phụ thuộc môi trường, game xuất hiện cả xe máy để di chuyển và điều khiển tương đôi dễ dàng. Đáng buồn là không thể nào thoát khỏi được cái bóng: Thu thập đồ đạc và tiêu diệt kẻ xấu. Một cuộc kháng chiến không chỉ đơn thuần là việc Gear Up, nói vài câu lung tung mà quan trọng hơn hết còn là sự thuyết phục, thu phục lòng người. Mọi thứ có thể đi xa hơn nếu cốt truyện lồng ghép người tốt, người xấu, những lựa chọn mang tính bước ngoặt và một thế giới nhiều thứ để khám phá hơn thay vì cứ quá ảm đạm như hiện tại. Ý tưởng tốt nhưng cách thể hiện dở tệ không tạo thành một sản phẩm hay. Đáng buồn lần này lại là Homefront.

5 người thấy thông tin trong bài viết hữu ích

Bình luận