No Man’s Sky: Bài học đắt giá của “hút máu”, “nổ to” và coi thường game thủ

Bởi Trung Dt vào ngày 30/08/16, trong mục Tin tức
Có thể bạn chưa biết, nhưng ngay lúc này, thời khắc mà tôi đang viết những dòng này, một trong những cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp game giữa game thủ, đơn vị phát triển và nhà phát hành đang ở giai đoạn cao trào và đỉnh điểm nhất. Nó cho thấy 1 sự thật đáng sợ liên quan tới rất nhiều bên, rất nhiều yếu tố từ sự kì vọng, sự thổi phồng và cả sự tức giận tới mức điên rồ của người bỏ tiền mua game. Có thể sẽ khá dài dòng 1 chút khi diễn giải câu chuyện để bạn đọc hiểu, nhưng tôi tin nó sẽ không uổng phí công sức của bạn 1 chút nào để nhìn lại toàn bộ những gì đang diễn ra với No Man’s Sky.


Hãy bắt đầu câu chuyện này từ sự kì vọng của người dùng mà trong đó có cả tôi. Game thủ luôn là những người khó chiều, họ thích cái mới nhưng có chút gì đấy mang hương vị cũ và cho dù chửi thì họ vẫn chơi, vẫn đặt kì vọng ở mức rất cao. Họ cũng luôn sẵn sàng chửi nếu không vừa ý, nó tạo ra 1 cộng đồng với nhiều quan điểm chống chéo và phức tạp. Mặt khác, số đông đang khiến cho những game thủ vốn chẳng quan tâm người khác nói gì đã bắt đầu thay đổi tính nết, họ luôn phải nghe ngóng để xem game có thực sự hay thực sự như kì vọng hay chỉ là 1 thứ hỗn tạp không ra đâu vào đâu rồi mới quyết định bỏ tiền mua. Khi cộng đồng bắt đầu có phản hồi không tốt, họ lập tức từ bỏ game ngay.

Game không gian từ lâu đã là một chủ đề rất khó khai thác để hay và ý tưởng mà No Man’s Sky cung cấp cho game thủ quả là một thứ quá sức tuyệt vời. Bạn được chu du trong hàng tỷ hành tinh, tốn hàng nghìn giờ khai thác và đặt tên cho thuộc địa của riêng mình và rồi thực hiện 1 chuyến hành trình không hồi kết vào tâm thiên hà…


No Man’s Sky đã thực sự reo rắc vào đầu game thủ 1 kì vọng rất lớn về sản phẩm không gian biến giấc mơ theo kiểu Star Wars, Star Trek trở thành hiện thực. Chu du trong thiên hà, giao lưu với người chơi khác, thành lập tổ đội và chiến đấu trong không gian rộng lớn vô cùng. Đơn vị hỗ trợ quảng cáo và PR, cùng những lời có cánh của trưởng dự án Sean Murray đã biến No Man’s Sky từ thứ chẳng là gì trở thành 1 quả bom tấn có sức nổ khủng khiếp, thay đổi cách con người nghĩ về 1 game không gian. Nó khiến cho người chơi đặt 1 kì vọng quá lớn vào game, một sự kì vọng phải nói là điên rồ đầy ảo tưởng và rồi khi sự lừa dối dần được bóc tách khỏi lớp mặt nạ quảng cáo đó. Quả bong bóng kì vọng nổ tan nát kéo theo là một trào lưu bài trừ không thể tưởng tượng nổi.

Ngày ra mắt của No Man’s Sky vừa là ngày khai sinh, vừa là ngày khai tử cho chính tựa game này. Số lượng người chơi đạt ngưỡng trên 212.000, lớn nhất trong 2016 và có thể lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng, con số này cứ giảm dần, giảm dần 1 cách chóng vánh chỉ trong 2 tuần lễ. Đỉnh điểm của việc này là báo cáo của SteamSpy, một đơn vị đo đạc số liệu mọi mặt của Steam cho biết: 90% số người dùng No Man’s Sky đã bỏ game.


Shock nặng là những gì có thể hiểu được với các game thủ vốn từng đặt kì vọng vào game và nó cũng khiến đơn vị phát triển, nhà phát hành choáng váng. Xuất phát từ 1 loạt các báo cáo lỗi, bug nghiêm trọng trên PC, nhưng thứ đó là điều còn có thể thông cảm được, hơn là một chất lượng nội dung mà theo game thủ là “quá tệ!”. Game thủ nhanh chóng cảm thấy chán ngắt chỉ sau vài chục giờ chơi, các công việc lặp đi lặp lại khiến người chơi chẳng biết làm gì thêm, phần chơi online không hề có (cho dù đã từng được xác nhận trước đó), họ chẳng kết nối được với ai và cảm thấy cô đơn vô cùng trong 1 vũ trụ quá rộng lớn. Tỉ lệ người chơi rớt 1 cách thê thảm và SteamSpy thì chẳng giấu diếm chút thông tin nào về điều này.

Việc này dẫn đến tình trạng, bản thân Hello Games đã có những liên lạc nhất định nhằm yêu cầu gỡ bỏ các thông tin này nhưng Steam thì không hề đồng ý. Hậu quả là bắt đầu 1 loạt các đơn refund (yêu cầu trả lại game, nhận lại tiền) từ game thủ. Con số ban đầu ở mức có thể chấp nhận được vì bản thân các game lớn đều diễn ra tình trạng này. Tuy nhiên, trường hợp của No Man’s Sky là một thứ rất đặc biệt.

Một loạt các diễn đàn và bài báo bắt đầu đào sâu vào những vấn đề tồn tại trong No Man’s Sky. Tại sao một game indie của 1 nhà phát triển vô danh lại đặt mức giá tới $60, lúc đòi tiền DLC lúc lại không?, tại sao lỗi vẫn chưa giải quyết dứt điểm cho PC, tại sao những điều hứa hẹn về tính năng không được thực hiện, tại sao PR lại quá lố và tại sao số người chơi sụt giảm ở mức quá cao như vậy? Quá nhiều câu hỏi tại sao được đặt ra, quá nhiều câu trả lời xoáy liên tục vào chất lượng dẫn đến lòng tin game thủ sụt giảm khủng khiếp. Họ đã nghĩ theo 1 chiều hướng xấu về No Man’s Sky về những hứa hẹn không bao giờ thành hiện thực của đơn vị phát triển và sự lợi dụng vắt sữa kinh khủng từ Hello Games. Họ tiếp tục chơi No Man’s Sky thêm đôi giờ nữa và lại càng cảm thấy bực mình vì mình đã đặt niềm tin nhầm chỗ,  một sự kì vọng bắt đầu sụp đổ.


Các đơn refund bắt đầu tăng lên chóng vánh và không thể kiểm soát giống như 1 làn sóng chống lại No Man’s Sky. Thông tin từ nhiều người dùng cho biết, Steam, PS Store, Amazon ban đầu chỉ chấp nhận trả lại cho game thủ chỉ chơi game dưới 2 tiếng nhưng con số sau đó tăng lên nhanh chóng từ 2 thành 10, thành 24, 72 và đến bây giờ là 50 tiếng. Rồi đỉnh điểm là không yêu cầu bất cứ điều gì và có thể trả lại bất cứ lúc nào. Điều này làm nhiều game thủ tin tưởng, đây chính là điểm kết thúc và liên tục gửi đơn với số lượng nhiều hơn mặc cho các nhàphát hành khẳng định là không thể có chuyện trả lại hàng khi con số đã lên quá 2 giờ.

Cú hích tiếp theo dìm chết No Man’s Sky đó là việc, nhiều game thủ cực đoan (nhưng thuộc hàng lâu năm và VIP) bắt đầu không refund theo hình thức thông thường nữa mà liên hệ trực tiếp với đơn vị phát hành và yêu cầu hoàn tiền không điều kiện ngay lập tức. Tiếng nói của họ có trọng lượng và 1 số đã được đồng ý. Việc này tiếp tục thổi bùng lên làn sóng “chênh lệch cấp độ” trong quá trình trả lại hàng. Game thủ bình thường nói rằng sự phân biệt đối xử sẽ hiến họ (nhà phát hành) phải trả giá. Lo ngại trước 1 làn sóng chống lại chính mình, họ dường như dễ dãi trong việc trả lại hàng hơn.

Tuy nhiên, sau tất cả, đây mới là thứ khiến người dùng căm phẫn nhất. Shahid Kamal Ahmad, cựu giám đốc Sony, người làm việc với Hello Games giúp bảo vệ thành quả của No Man’s Sky trên PS4 nói rằng:

Nếu bạn trả lại game sau 50 giờ chơi, bạn là một kẻ ăn cắp!
Ông bồi thêm:

Chúng ta không nói về 1 thứ sản xuất công nghiệp từ nhà máy ra. Chúng tôi đang nói về nghệ thuật và bạn không thể đối xử với nó như một thứ đồ công nghệ tầm thường được.
Còn gì để nói sau câu nói này cho dù nó là một người xa lạ. Giờ đây, truyền thông đã tiếp sức cho game thủ đánh gục No Man’s Sky bằng những bài viết về việc kể cả có là chơi 100 giờ nhưng game không đúng với miêu tả, game thủ vẫn có quyền refund và nhà phát triển, nhà phát hành phải chấp nhận điều đó. Phải chấp nhận cái giá của việc quảng cáo láo với người dùng.


Giờ thì những nhánh nhỏ của No Man’s Sky trên Reddit và NeoGaf – 2 diễn đàn rất lớn của cộng đồng internet thế giới, thay vì bàn luận về game, họ bàn luận sang làm thế nào để refund 1 cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

No Man’s Sky: Một sự thật đáng buồn, một hậu quả khủng khiếp của quảng cáo,  PR quá đà và khích bác game thủ!

6 người thấy thông tin trong bài viết hữu ích

Bình luận