[Review] No Man’s Sky – Khi một tựa game bình thường bị thổi phồng quá mức

Bởi b0yzz0ic vào ngày 16/08/16, trong mục Tin tức
Nếu các độc giả nào ở đây cho rằng No Man’s Sky có thể sẽ làm nên một cuộc cách mạng gây chấn động, chắc hẳn đây sẽ là một cơn vỡ mộng khá mạnh vào tinh thần.

Trước khi viết bài review này, tôi cũng đã từng suy nghĩ đắn đo khi đưa ra quan điểm của mình ở bài bình luận trước “Nguy cơ của một cuộc địa chấn vỡ mộng trong lòng game thủ?”. Khi đó, nhiều người vẫn còn tin tưởng rằng game sẽ còn nhiều nội dung hơn so với những gì mà các đoạn clip gameplay được phát tán trước ngày ra mắt. Quan điểm này càng được củng cố hơn với sự xuất hiện của bản vá ngày 1 làm mọi thứ to gấp 10 lần so với trước. Bản thân tôi cũng phần nào tin tưởng như vậy cho đến khi trực tiếp chạm tay vào phiên bản PC của No Man’s Sky. Và sau khoảng vài giờ trải nghiệm đầu tiên, những gì mà tôi cảm nhận được từ game là một cái thứ gì đó khá hỗn tạp, không phải xuất sắc mà cũng chẳng phải dở tệ. Nhưng một điều chắc chắn mà có thể dễ nhận thấy (tùy theo mức độ của từng người) là một sự thất vọng và hụt hẫng sau khi đi trên đoàn tàu hype.


No Man’s Sky là một tựa game thế giới mở mà ở đó, game thủ sẽ được sống trong dải thiên hà chứa hơn 18 tỷ tỷ hành tinh được tạo ra một cách ngẫu nhiên. Người chơi sẽ vào vai một phi hành gia vô danh với một con tàu bị hư hỏng nặng và rơi xuống một hành tinh ban đầu chưa được xác định. Để có thể sửa chữa được con tàu của mình, nhà thám hiểm này sẽ phải sử dụng công cụ đa năng được trang bị sẵn để lấy các khoáng sản xung quanh hành tinh nhằm phục hồi lại các bộ phận của tàu và nạp nhiên liệu cho động cơ nguyên tử. Sau đó, người chơi sẽ bắt đầu hành trình đi tìm những miền đất mới, những hành tinh mới với những chủng tộc người ngoài hành tinh bí ẩn sở hữu các công nghệ tân tiến, các loài động thực vật kỳ lạ, và cả những dấu tích của một nền văn minh cổ xưa bị biến mất không rõ nguyên nhân. Các game thủ sẽ được hòa mình vào một cuộc hành trình vô định với một sự tự do gần như hoàn toàn trong thế giới rộng lớn và đa dạng.

Đó cũng là những gì mà game thủ mơ mộng trong khi cài đặt No Man’s Sky cho đến khi trực tiếp trải nghiệm. Mặc dù về mặt lý thuyết thì game cho phép tự do khám phá một cách thoải mái, song người chơi ngay từ đầu đã bị bó buộc vào vòng xoay tìm kiếm nhiên liệu công nghệ. Do cơ chế của tàu lại sử dụng 2 loại nhiên liệu riêng biệt cho việc bay bình thường và tăng tốc ra khỏi bầu khí quyển nên việc tìm kiếm đủ loại khoáng sản để bay lên vũ trụ rất tốn thời gian và hãm lại trải nghiệm tổng thể. Nếu như người chơi có thể kiên trì được và bay lên vũ trụ thì việc tiếp theo mà game thủ cần phải làm là…. tìm tiếp nhiên liệu và công nghệ. Thay vì tìm những vùng đất mới để khám phá nhiều điều thì hầu như những gì mà người chơi có thể làm được là sục sạo khắp nơi để tìm các công nghệ nâng cấp tàu và bộ giáp của mình. Đồng thời, việc game đặt ra giới hạn quá lớn về chỗ trống của hòm đồ càng khiến việc nâng cấp hay đi lại trở nên khó khăn hơn. No Man’s Sky đã biến từ một tựa game phiêu lưu khám phá tự do thành một tựa game gần như bắt buộc cày cuốc bục mặt để có trang bị tối tân.


Đọc đến đây, tôi đoán chắc các độc giả có thể nghĩ rằng game dù cày cuốc nhưng cơ chế gameplay sẽ có chiều sâu, nhưng điều đáng tiếc là đời lại không như mơ. Có thể do đội phát triển mải mê thiết kế thuật toán để tạo ra dải thiên hà quy mô lớn mà quên mất chi tiết gameplay. . Xuyên suốt thời gian chơi là các màn đấu súng khá tẻ nhạt chống lại các robot Sentinel (nói là “các”, nhưng thực sự chỉ có chưa đến 1, 2 con xuất hiện khi có báo động với chiến thuật đơn điệu) và những trận không chiến kéo dài, thiếu điểm nhấn với lắt nhắt vài phi cơ của quân địch. Hệ thống vũ khí cũng thiếu đi sự đa dạng bởi chỉ có khoảng vài loại súng (nói đúng hơn là công cụ đa năng) mà người chơi chỉ có thể thay đổi các chip nâng cấp để thêm bớt chức năng và hỏa lực. Cùng với đó, việc giao tiếp với các chủng tộc người ngoài hành tinh cũng diễn ra rất đơn điệu. Mặc dù No Man’s Sky từng được quảng bá là việc học ngôn ngữ rất quan trọng để đoán ý đồ của người đối diện, song những gì mà người chơi có thể giao tiếp được gần như không khác mấy một cửa hàng trong game hay là NPC cố định. Về mặt tổng quan gameplay, tất cả những hoạt động mà người chơi có thể thực hiện được trong No Man’s Sky được làm quá sơ sài đến mức cái gì cũng nửa vời và không có trọng tâm. Với những người ưa thích yếu tố khám phá thì đó không phải là một vấn đề lớn, nhưng với fan của thể loại bắn súng và mô phỏng thì đây là cơn ru ngủ thực sự.

Tâm điểm duy nhất mà No Man’s Sky có thể tỏa sáng được là dải thiên hà rộng lớn với 18 tỷ tỷ hành tinh. Về điểm này thì cũng phải nói thêm: do game sử dụng hệ thống thuật toán ngẫu nhiên nên chắc chắn sẽ có 3 trường hợp xảy ra khi đi khám phá thế giới: người chơi có thể tìm thấy một hành tinh có phong cảnh tuyệt đẹp và đa dạng như E3 2014, hoặc là vô phúc hạ cánh xuống một hành tinh khô cằn đơn điệu, hoặc là hành tinh nào đó dung hòa cả 2 thứ. Đó cũng là điều phải chấp nhận khi mà mọi thứ trở nên quá rộng lớn và người chơi không thể có quyền lựa chọn bắt đầu địa điểm xuất phát. Nhưng đồng thời, No Man’s Sky có thể khiến nhiều game thủ bất ngờ bởi nhiều loại động thực vật có hình dáng kỳ lạ (nếu không muốn nói là dị hợm) được tạo ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Và điều hay nhất là người chơi có thể đặt tên cho các loại sinh vật mới theo ý thích của mình, đồng thời các phát hiện này cũng có thể chia sẻ được thông qua Internet để người chơi khác có thể biết được trên dải thiên hà của họ. Tuy vậy, game vẫn không thể tránh được việc các phong cảnh được lặp đi lặp lại địa hình và game thủ bắt đầu cảm thấy nhẵn mặt với các loại cây na ná giống nhau chỉ sau vài giờ chơi


Xét về mặt đồ họa thì No Man’s Sky không hẳn là xấu hoàn toàn, nhưng cũng không để lại được nhiều ấn tượng. So với màn trình diễn hồi E3 2014 thì đây là một sự xuống cấp rõ rệt về mặt chất lượng hình ảnh. Ưu điểm duy nhất mà tựa game này có thể đem lại chính là các thiết kế chi tiết của những loại tàu vũ trụ, các công trình của nền văn minh cổ hay là các hạm đội và trạm vũ trụ có kích cỡ lớn. Số còn lại các chi tiết hình ảnh và hiệu ứng khác khiến người nhìn có cảm giác bị ăn bớt ngang bằng với tai tiếng Watch Dogs. Môi trường xung quanh (nhất là về mặt địa hình) được làm một cách sơ sài quá mức, gần như ít có điểm nhấn nào đáng nhớ ngoài một số hang động được đặt xung quanh. Tuy vậy, game vẫn có được sự cân bằng về mặt cảm quan bởi âm thanh thiết kế xuất sắc. Các tiếng động môi trường xung quanh được làm khá chi tiết và chân thực, trong khi những bản nhạc được tạo ra một cách ngẫu nhiên đã gây ấn tượng mạnh bởi sự phối hợp sát với diễn biến game.


Với tư cách là một người đã theo dõi hành trình của No Man’s Sky trong suốt hơn 2 năm qua, bản thân tôi sau khi chơi tựa game này có một cảm xúc rất lẫn lộn. Một tựa game dở tệ? Không phải. Một tựa game tốt? Điều đó thì đúng. Nhưng một tựa game xuất sắc? Gần như không chắc. Nhưng sau 2 năm với rất nhiều chuyện đã xảy ra, từ những đợt quảng bá rầm rộ cho đến sự giận dữ của cộng đồng cuồng tín, những gì mà chúng ta nhận được chỉ là một tựa game có giá trị khá là bình thường theo kiểu nửa vời (nếu không muốn nói là không xứng với cái mác giá 60 USD). Tuy vậy, No Man’s Sky vẫn là một tựa game đáng để chơi đối với những người có sở thích đi du hành khắp nơi và khám phá những cái mới. Còn với những ai mong chờ game có thể trở thành một Star Citizen hay Elite Dangerous chơi offline  (và chắc chắn suy nghĩ này vẫn còn trong tâm trí của rất nhiều người), rất đáng tiếc vì đây không phải là game dành cho các bạn.

2 người thấy thông tin trong bài viết hữu ích

Bình luận