PHÂN LOẠI NHÂN VẬT TRONG ULTRA STREET FIGHTER IV

Bởi HuynhDong vào ngày 03/12/15, trong mục Hướng dẫn
Ultra Street Fighter IV, như các bạn đã biết, là phiên bản mới nhất của dòng game Street Fighter, cũng là game đối kháng phổ biến hiện nay.

Không ngạc nhiên khi Ultra Street Fighter IV luôn là sự kiện chính của tất cả các giải đấu game đối kháng thế giới và thu hút người chơi mới.

Tuy nhiên, những “lính mới” lại gặp phải rất nhiều “rào cản” về kiến thức game mà khó có một hảo thủ nào giúp đỡ họ. Một trong những “rào cản” đó là việc hiểu được hệ thống phân loại nhân vật trong game. Hệ thống này đã và đang ảnh hưởng đến phong cách, cũng như lựa chọn nhân vật của người chơi như thế nào?


Ultra Street Fighter IV, về mặt phân loại nhân vật, có rất nhiều điểm tương đồng với các game nhập vai chiến thuật như Fire Emblem chẳng hạn. Nếu bạn từng chơi qua dòng game này thì hẳn bạn sẽ biết xạ thủ có lợi hơn khi chiến đấu với các sinh vật biết bay, hay kiếm thì thường chiến thắng giáo… Nói nôm na là nguyên tắc “kéo, búa, bao”.

Trong Ultra Street Fighter IV chúng ta có 44 đấu sĩ, 44 cách chơi độc đáo, nhưng cũng có thể được xếp theo từng phân loại. Phân loại nào cũng có những điểm chung về lối chơi, và những điểm chung, không thể lay chuyển này khiến cho những toan tính về chiến thuật trở nên quan trọng hơn.

Đối với Ultra Street Fighter IV, cuộc chiến được bắt đầu từ “vòng gửi xe”, tức là kể từ lúc bạn chỉ mới chọn nhân vật.

Bài viết này không chỉ nhằm phục vụ các tân binh, mà còn hướng tới cả số đông những game thủ hạng trung ngày nay. Cụ thể là những người có thể đã chơi game từ lâu, có kỹ năng tốt, và có thể đã có những thành tích nhất định ở một cộng đồng game đối kháng Việt Nam chưa quá phát triển.

Nếu bạn chơi tốt, nhưng chưa bao giờ thực sự nghĩ sâu về hệ thống nhân vật mà Capcom thiết kế rất có chủ đích, và chưa định hình rõ ràng được phong cách chơi của chính mình mỗi khi bước vào trận đấu với một nhân vật khác, có lẽ bạn cũng sẽ học thêm được nhiều điều mới mẻ từ bài viết này!

TỔNG QUAN


Có 6 phân loại nhân vật, và tất cả các đấu sĩ đều có thể được xếp vào một phân loại. Cụ thể như sau:

1. ZONER: Chun-Li, Dee Jay, Dhalsim, E. Ryu, Gouken, Guile, Oni, Poison, Rose, Ryu, Sagat
2. GRAPPLER: Abel, El Fuerte, Hakan, Hugo, T. Hawk, Zangief
3. TURTLE: Balrog, Blanka, E. Honda, M. Bison
4. DIVEKICKER: Adon, Cammy, Decapre, Juri, Makoto, Rufus, Yang, Yun
5. FOOTSIE-HEAVY: Cody, Dan, Dudley, Elena, Fei Long, Guy, Ken, Rolento, Sakura, Vega
6. VORTEX-BASED: Akuma, C. Viper, Gen, Ibuki, Seth.

Bạn cũng cần biết rằng, phân loại nhân vật không nói lên tất cả. Hầu hết các đấu sĩ, dù thuộc về phân loại nào, vẫn sẽ có một chút đặc điểm lai tạp của phân loại khác. Ví dụ Guile, là 70% Zoner và 30% là Turtle (hay E. Ryu – 60% Zoner và 40% Footsie, hoặc Juri – 65% Divekicker và 35% Zoner).

Nhân vật của bạn cụ thể là thế nào sẽ là một chủ đề chuyên sâu hơn nữa được ra mắt sau này. Bài viết này chỉ tập trung vào những đặc trưng chung của từng phân loại nhân vật.


ZONER



THẾ NÀO LÀ “ZONING”?

Zoning là một thuật ngữ bắt nguồn từ danh từ “zone” tức là “vùng”. Zoning có nghĩa là kiểm soát các “vùng” trên màn hình đấu trường. Ở mức cơ bản nhất, có hai vùng là trên và dưới. Nếu bạn tiếp xúc với mặt đất, bạn ở dưới. Còn nếu bạn nhảy lên để tránh “fireball” (các tuyệt chiêu chưởng – như Hadouken của Ryu) thì bạn ở trên.

Các zoner sẽ áp đặt hành động của bạn bằng cách bắn cầu lửa (fireball) dưới đất hoặc trên không. Vì thế có thể nói: các chiêu chưởng cầu lửa chính là thứ vũ khí không thể thiếu của các zoner.

Hãy lấy Ryu – nhân vật zoner kinh điển nhất của game đối kháng – làm ví dụ. Ryu có hai vũ khí rất lợi hại đó là Hadouken và Shoryuken. Hadouken là vũ khí chính, gây áp lực lên đối thủ. Nếu gặp Hadouken, bạn sẽ chỉ có ba lựa chọn để không bị dính đòn: đỡ, sử dụng chiêu tụ (focus) hoặc nhảy tránh.

Nếu bạn đỡ hoặc dùng chiêu tụ, Ryu vẫn nắm thế chủ động. Nếu bạn nhảy, Ryu sẽ tung Shoryuken. Shoryuken là chiêu đấm từ dưới lên, chống không cho đối thủ nhảy vào. Chiêu này có mức sát thương cao và còn có thể liên hoàn được với đòn Ultra tối thượng nữa.

Một người sử dụng Ryu tốt sẽ khiến đối thủ không thể đoán được khi nào thì họ xuất chiêu chưởng cầu lửa, khiến đối thủ hoảng sợ, vội vàng tìm cách né mà nhảy không đúng lúc hoặc đánh hụt một đòn nào đó. Khi đó Ryu sẽ ung dung tiến tới đối thủ và sử dụng tuyệt kỹ lợi hại nhất mà mình có.


Không có phân loại nào có bề dày lịch sử gắn liền với game đối kháng nói chung và Street Fighter nói riêng như zoner. Zoner có ở khắp mọi nơi.

Hầu hết các nhân vật chính trong các game đối kháng đều là zoner, có thể kể đến: Kyo, Iori, Terry của dòng King of Fighter; Haohmaru, Charlotte của dòng Samurai Shodown; Sol, Ky của dòng Guilty Gear; Morrigan của dòng Darkstalkers; Superman, Batman của Injustice; hay Liu Kang, Raiden của dòng game Mortal Kombat.

Trong Ultra Street Fighter IV, các nhân vật zoner là Ryu, E. Ryu, Rose, Guile, Chun-Li, Poison, và Sagat nằm trong số những đấu sĩ phổ biến nhất, được người chơi chọn nhiều nhất hiện nay.

LỜI KHUYÊN
Các zoner “sống” và “chết” bằng việc kiểm soát sự chuyển động của đối thủ. Đối thủ càng chậm thì càng dễ bị zoner “xơi tái”, mà càng nhanh thì càng gây khó khăn cho đấu sĩ zoner. Người chơi zoner phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng kiểm soát: kiểm soát nhân vật của bạn, của địch cũng như kiểm soát chính bản thân bạn.

Hãy kiềm chế việc bắn cầu lửa. Nhiều quá sẽ khiến bạn bị “bắt bài”. Hãy “bẫy” đối thủ nhảy vào bạn khi tưởng bạn sẽ bắn cầu lửa. Zoner có lối chơi khá đơn giản và không có nhiều bài bất ngờ, vì thế nếu để bị “bắt bài” tức là bạn đã tự “đào hố” chôn mình rồi.

  • ZONER YẾU VỚI: divekicker và vortex.
  • ZONER MẠNH VỚI: grappler và turtle.

GRAPPLER



Grappler có nghĩa là “đô sĩ đấu vật”. Mà muốn vật, thì bạn ở sát bên cạnh đối thủ. Lối chơi của grappler còn đơn giản hơn cả zoner, hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn có áp sát được đối phương hay không.

Các grappler kinh điển bao gồm Zangief, T. Hawk và Hugo, thường có tốc độ di chuyển khá chậm nhưng khả năng chịu đòn cao. Còn nếu các grappler có tốc độ nhanh như El Fuerte, Hakan và Abel thì các bước di chuyển lại khá đơn giản, dễ đoán và nhiều nguy cơ bị dính đòn của đối thủ và bị đẩy lại ra xa. Mỗi một grappler sẽ có các công cụ để áp sát khác nhau.

Ví dụ, với Zangief đó là chiêu “Tay Xanh” nhẹ, với T. Hawk đó là Condor Spire hay với Abel đó là lăn, hoặc Step Kick (đá ngang hông).


LỜI KHUYÊN
Do grappler chậm chạp, lại là các nhân vật có ý đồ tấn công đơn giản nhất, nên bạn sẽ phải là một người chơi rất kiên nhẫn. Sẽ có những lúc bạn tưởng như có một “bức tường vô hình khổng lồ” ngăn cách bạn và đối thủ, đặc biệt là khi đối thủ là zoner.

Hãy bình tĩnh và chờ đợi, buộc đối thủ phải mắc sai lầm và trừng phạt họ bằng những chiêu vật hoặc combo “chớp nhoáng”.

  • GRAPPLER YẾU VỚI: zoner và footsie.
  • GRAPPLER MẠNH VỚI: divekicker và turtle.


Khi đã vào gần, grappler có thể dứt điểm đối thủ rất nhanh. Một cú vật của các grappler cũng đã có sức sát thương cao hơn các đòn đơn lẻ khác. Lối chơi của Zangief và T. Hawk xoay quanh việc sử dụng những đòn vật này thật đúng thời điểm.

Một số grappler như Hugo, El Fuerte và Abel còn dựa dẫm vào những combo khủng khiếp hơn cả chiêu vật. Tuy nhiên, lý do mà những grappler này thực hiện được những combo này vẫn là đối thủ sợ hãi trước đòn vật của họ và chúng đồng thời là một lựa chọn bổ sung để chống những biện pháp “tránh vật” của đối thủ.

Vũ khí của grappler đúng là một “cơn ác mộng” một khi đã tiếp cận ở khoảng cách gần!

TURTLE


THẾ NÀO LÀ “TURTLE”?
Turle hẳn các bạn cũng đã biết, có nghĩa là “con rùa”, trong cả phòng thủ lẫn tấn công. Mà trong đó các đấu sĩ thuộc hệ, đặc biệt là Honda và Bison, sẽ luôn muốn áp đặt một lối chơi chậm rãi nhưng chắc chắn trước đối thủ. Các turtle đều có điểm mạnh là phòng thủ và điếm yếu là tấn công.

Sau grappler, turtle thường có số lượng máu “dày” thứ nhì Ultra Street Fighter IV, nhiều hơn bất kì các đấu sĩ nào khác. Lựa chọn áp sát đối thủ một cách an toàn là không nhiều: ví dụ như Honda phải trông chờ chủ yếu vào chiêu húc đầu EX, Bison vào chiêu Scissor Kick, Blanka vào những cú nhảy bất ngờ, và Balrog bằng việc đi bộ chậm rãi tới, vừa đi vừa đỡ.

Không ngạc nhiên vì thế mà phong cách ra đòn của các turtle phụ thuộc phần nhiều vào phòng thủ phản công, chỉ tấn công khi thấy đối thủ sơ hở.

LỜI KHUYÊN
Các turtle đều thuộc dạng dễ điều khiển nhất Ultra Street Fighter IV, thích hợp với người mới chơi. Nên Capcom đã “trừng phạt” các game thủ chơi ở đẳng cấp cao sử dụng turtle bằng việc khiến cho loại nhân vật này, “trên lý thuyết”, bị khắc chế bởi tới bốn hệ nhân vật khác.

Nếu bạn chỉ trung thành với turtle mà không có “phương án B” ở nhân vật thuộc hệ khác để bù vào điểm yếu này, thì các bạn hãy luôn nhớ rằng: thời gian là bạn, và máu là vàng. Hãy đánh thật an toàn, thủ thật chắc và khi thấy bạn có nhiều máu hơn đối thủ, đừng ngần ngại bảo toàn lợi thế đó và chờ cho đến khi hết thời gian.

Vì thế, cũng giống như khi chơi grappler, bạn cần có có chữ “nhẫn”: kiên nhẫn, nhẫn nại và nhẫn tâm. Sẽ có lúc bạn bị đối thủ hoặc khán giả tỏ thái độ phản ứng hoặc thậm chí là chán ghét, nhưng hãy vì chiến thắng chung cuộc mà bỏ qua, nhé!
  • TURTLE YẾU VỚI: zoner, grappler, footsie và vortex.
  • TURTLE MẠNH VỚI: divekicker và vortex.

Khi thi đấu với người khác, một điểm mạnh khác của turtle đó chính là đòn tâm lý. Phần đông game thủ của của Ultra Street Fighter IV không chọn turtle vì họ “ghét” phải chiến đấu với một turtle khác.

Hãy tận dụng điều đó để làm đối thủ của bạn mất bình tĩnh. Càng nhiều sai lầm từ đối thủ, thì bạn càng có nhiều cơ hội để giảm máu của đối thủ xuống, tạo lợi thế cho thế trận phòng thủ của bạn.

DIVEKICKER


THẾ NÀO LÀ “DIVEKICKER”?
Không có bất kì nghi ngờ gì rằng, Divekicker là những đấu sĩ với hỏa lực tấn công mạnh mẽ nhất Ultra Street Fighter IV. Các Divekicker có nhiều chiêu bài tấn công có thể trộn lẫn và biến hóa, cùng các đòn tóm đa dạng khiến đối thủ rất khó lường!

Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các đấu sĩ hệ này là họ đều có một chiêu gọi là “divekick” – dịch nôm na là đá chéo thẳng từ trên xuống. Tuy gọi là divekick, nhưng phương hướng của chúng nhiều lúc cũng thay đổi, như của Adon và Makoto là đá theo hình vòng cung cong xuống…

Divekick có công dụng thay đổi quĩ đạo nhảy của nhân vật. Chính vì sự tồn tại của các chiêu divekick, mà chỉ có các đấu sĩ thuộc hệ Divekicker mới có thể gần như không hề sợ các chiêu “anti-air” (chống nhảy) của đối thủ.

Bởi khi họ nhảy vào, đối phương sẽ luôn phải đoán xem Divekicker sử dụng quỹ đạo nào? Có dùng các chiêu divekick của họ hay không? Mà các chiêu “phòng không” chỉ chống được một hay hai quỹ đạo nhất định mà thôi.

LỜI KHUYÊN
Các Divekicker đều có các bài tấn công cụ thể rất khác nhau, nên các bạn khi chọn Divekicker nào thì hãy tìm cách học hỏi những ai chuyên chơi Divekicker đó.

Có thể tìm kiếm những người ngay trong cộng đồng Street Fighter Việt Nam hoặc thế giới. Các game thủ có tiếng cho các Divekicker:
  • DIVEKICKER YẾU VỚI: GRAPPLER VÀ TURTLE.
  • DIVEKICKER MẠNH VỚI: ZONER, FOOTSIE, VÀ VORTEX.

Divekicker là lớp nhân vật phổ biến nhất dòng game Street Fighter, mà đặc trưng nhất trong phiên bản USF4 là Yun. Xuất thân từ game  Street Fighter 3: Third Strike (3S), nhân vật này có lối đánh chú trọng nhiều vào tấn công hoa mĩ, nhanh nhẹn và biến hóa khôn lường. Bù lại, thanh máu của Yun lại khá “mỏng”, thuộc hạng có máu yếu thứ nhì game (900HP), chỉ hơn được Seth và Akuma (cùng là 850HP).

Vì thế, tấn công chính là cách phòng thủ hiệu quả nhất. Một Yun, hay Divekicker tốt sẽ liên tục di chuyển, tận dụng điểm mạnh của mình, vừa để gây hoang mang cho đối thủ vừa để tránh các chiêu có thể “zone” (phòng xa khoảng cách) hoặc tạo sức ép lên cho mình.

Các Divekicker đều có những chiêu có thể áp sát đối thủ rất nhanh, dù các chiêu này khá “hở” (Makoto có EX Hayata; Yun có EX Lunge Punch; Adon có Jaguar Tooth, v.v..), bởi khoảng cách lí tưởng cho mọi Divekicker đều là cận chiến gần (với ngoại lệ là Juri với lối đánh khá toàn diện có thể đánh tốt ở cả tầm trung lẫn tầm xa).

FOOTSIE HEAVY


THẾ NÀO LÀ “FOOTSIE-HEAVY”?
Dù từ foot trong “footsie” có nghĩa là “chân”, nhưng cả cụm từ footsie nói chung không ám chỉ các chiêu thức dùng chân. Footsie được sử dụng để chỉ những nhân vật có các chiêu thức giúp họ chiếm lợi thế dưới mặt đất, nơi mà hai chân của đối thủ tiếp xúc.

Nhân vật nào cũng có những chiêu footsie nhất định, bởi chiến đấu dưới mặt đất là một phần lớn của game (trừ phi cả hai đấu sĩ đều là Divekicker). Nhân vật nào cũng phải sử dụng footsie, nhưng với các đấu sĩ hệ Footsie-heavy, footsie là con đường sống còn, là sợi chỉ nắm giữ vận mệnh – thành ở footsie, bại cũng ở footsie. Các Footsie-heavy đều không giỏi không chiến và cũng không thực sự giỏi phòng ngự.

Cùng với Zoner, Footsie-heavy chiếm số đông các đấu sĩ của game Ultra Street Fighter IV.
LỜI KHUYÊN
Hãy dạy cho đối thủ biết rằng mặt đất là chiến địa của bạn, để đối thủ sợ hãi mà không muốn áp sát. Theo đó, hãy đảm bảo rằng bạn “phòng không” thật tốt sao cho đối thủ không dám nhảy vào để chiếm thế thượng phong.

Các chiêu phòng không của Footsie-heavy thường có sức sát thương kém, không vào đòn combo liên hoàn được (trừ Ken và Fei Long) nhưng có lợi thế là tầm đánh cao cũng khá hiệu quả!

Khi đối thủ đã tôn trọng được “zone” – vùng của bạn, hãy bắt đầu tiến tới và gây sức ép chính bằng những chiêu footsie đầy khó chịu.

Một phẩm chất tối quan trọng với người chơi các nhân vật có tố chất Footsie-heavy đó là phản xạ tốt, có thể thấy chiêu footsie của mình “dính” hay “không dính” trước đối thủ để lựa chọn combo hoặc không.

Nếu combo nhầm, bạn sẽ bị hở và đánh mất “vùng an toàn”. Bậc thầy về footsie nói chung và hệ Footsie-heavy nói riêng để bạn học tập đó là Momochi, đương kim vô địch giải đấu danh giá Capcom Cup 2014.
  • FOOTSIE YẾU VỚI: DIVEKICKER.
  • FOOTSIE MẠNH VỚI: GRAPPLER VÀ TURTLE

Footsie là các chiêu thức có sức sát thương không cao nhưng lại có cự ly rất tốt để tùy ý đưa ra – thu về, nhanh gọn mà an toàn. Đôi lúc, bạn cũng có thể sử dụng chúng liên tục một cách thoải mái mà không sợ rủi ro cao.

Với hệ Footsie-heavy, các chiêu này vừa là công cụ tấn công chủ yếu vừa là công cụ phòng ngự chính. Dùng các footsie an toàn để áp đặt thế trận. Bởi khi đánh trúng đối thủ, bạn sẽ có thể nối tiếp đòn footsie thành một chuỗi combo khác.

Nếu đánh không trúng hoặc bị đỡ, bạn lại thu chiêu về chờ cơ hội khác. Đây cũng là công cụ để bạn “keep away” – thiết lập khoảng cách với đối thủ, làm họ sợ sệt khi bước vào phạm vi dính chiêu footsie mà không dám lại gần.

Để phục vụ cho việc phòng ngự, dĩ nhiên các Footsie-heavy thường phải cực kì cảnh giác với các tình huống nhảy vào và các chiêu divekick đến từ các nhân vật thuộc hệ Divekicker.

VORTEX-BASED


“Vortex” lại là một thuật ngữ khá hay ho nữa của Ultra Street Fighter IV. Trong tiếng Anh, “vortex” tức là cơn lốc xoáy – một khi bạn đã dính vào, bạn không thể thoát ra.

Trong Ultra Street Fighter IV, “vortex” ám chỉ một loại cạm bẫy knock-down (tức bị đánh nằm liệt xuống đất trong khoảng thời gian ngắn) chuyên được dùng bởi các nhân vật thuộc hệ này.

Khi bạn đã bị knock-down, đấu sĩ Vortex-based sẽ có những cạm bẫy (set-up) được dựng lên để gây áp lực ngay khi bạn mới đứng dậy, với khả năng ít nhất 50% (bạn sẽ phải đoán xem đối thủ làm gì trong hai khả năng) là sẽ khiến bạn lại bị knock-down lần nữa, và thế là vòng xoáy này cứ tiếp diễn cho đến khi bạn chết.

Hệ Vortex-based vừa mạnh lại vừa yếu với các Turtle, bởi các Turtle có thể làm rất tốt nhiệm vụ giữ Vortex-based ở cự ly an toàn và tránh bị knock-down; nhưng một khi Turtle đã bị knock-down, họ lại có rất ít công cụ có thể thoát được các bẫy vortex.

LỜI KHUYÊN
Hãy tìm mọi cách knock-down đối thủ. Khi đối thủ đã đo sàn, bạn hãy chuyển sang “cân não” bằng những lựa chọn về đòn thế mà đối thủ không thể ngờ tới!

Hãy tận dụng kĩ năng bạn học được trong trò chơi “oẳn tù tì” quen thuộc, hay khi bạn là những người sút penalty tốt trong game đá bóng. Khiến đối thủ phải thật đau đầu để đoán xem bạn sẽ đánh như thế nào. Vortex-based và các set-up vortex là độc đáo chỉ có ở Ultra Street Fighter IV, vì thế hãy vui vẻ mà tận dụng dụng nó.

Bạn có thể tham khảo và lấy nguồn cảm hứng từ những đấu sĩ Vortex bậc thầy (tất cả đều là người châu Á) đó là Infiltration và Tokido (Akuma), Sako (Ibuki), Poongko (Seth), Jayce the Ace (C. Viper) và Xian (Gen).
  • VORTEX YẾU VỚI: TURTLE VÀ DIVEKICKER.
  • VORTEX MẠNH VỚI: TURTLE VÀ ZONER.

Các đấu sĩ hệ này có hai vũ khí tối quan trọng: một là các bài vortex khiến đối thủ đoán già đoán non, hai là các chiêu có thể khiến đối thủ bị knock-down.

Có thể kể đến như chiêu ngồi rồi nhấn Heavy Kick của Akuma là chiêu knock-down lợi hại nhất game, vừa ra nhanh có cự ly xa như một chiêu footsie, lại vừa gây được knock-down. Về vortex thì mỗi nhân vật hệ này lại có những công cụ, những set-up khác nhau.

Phần lớn những vortex là chuyên cross-up (nhảy vào từ trên cao xuống với đòn tấn công có thể là từ phía sau, có thể là từ phía trước), bắt đối thủ đoán trước hay sau, sử dụng bởi Gen, C.Viper, Ibuki. Akuma sử dụng những vortex phối hợp giữa các đòn trên – dưới; còn Seth thì là vortex đánh (đỡ được nhưng không tránh được) hay vật (không đỡ được nhưng tránh được).

4 người thấy thông tin trong bài viết hữu ích

Bình luận